Chủ quyền của Anh Lịch_sử_New_Zealand

Năm 1788, người Anh thành lập thuộc địa New South Wales tại Úc. Theo thống đốc tương lai Arthur Phillip thì lệnh đề ngày 25 tháng 4 năm 1787 về thuộc địa New South Wales có ghi toàn bộ các đảo lân cận tại Thái bình Dương trong vĩ độ 10°37'S và 43°39'S theo đó bao gồm hầu hết New Zealand ngoại trừ nửa nam của đảo Nam.[17] Năm 1825, khi Đất Van Diemen (Tasmania) trở thành một thuộc địa riêng, biên giới phía nam của New South Wales được sửa đổi[18] thành các đảo lân cận tại Thái Bình Dương với ranh giới phía nam là 39°12'N, theo đó chỉ bao gồm nửa bắc của đảo Bắc. Tuy nhiên, các biên giới này không có tác động thực tế do chính phủ New South Wales có ít quan tâm đến New Zealand.[19]

Nhằm phản ứng trước các thủy thủ và nhà thám hiểm vô trật tự tại New Zealand, Chính phủ Anh bổ nhiệm James Busby làm Công sứ vào năm 1832. Năm 1834, ông khuyến khích các tù trưởng Maori khẳng định chủ quyền của họ với việc ký kết Tuyên ngôn độc lập vào năm 1835. Điều này được Quốc vương William IV công nhận. Busby không được trao thẩm quyền pháp lý hoặc hỗ trợ quân sự, do đó không hiệu quả trong việc quản lý dân cư người châu Âu.

Một trong số các bản sao ít ỏi còn lại của Hiệp định Waitangi

Năm 1839, Công ty New Zealand công bố các kế hoạch nhằm thiết lập các thuộc địa tại New Zealand. Điều này cộng với tình trạng tiếp tục vô pháp luật của nhiều người định cư thúc đẩy Anh có hành động mãnh liệt hơn. Thuyền trưởng William Hobson được cử đến New Zealand nhằm thuyết phục người Maori nhượng chủ quyền của họ cho Quân chủ Anh. Nhằm phản ứng trước các động thái của Công ty New Zealand, vào ngày 15 tháng 6 năm 1839, một chứng thư mới được phát hành nhằm khuếch trương lãnh thổ New South Wales bao gồm toàn bộ New Zealand. Thống đốc New South Wales George Gipps dược bổ nhiệm làm Thống đốc cai quản New Zealand. Đây là biểu hiện rõ ràng đầu tiên về ý định thôn tính New Zealand của Anh.

Ngày 6 tháng 2 năm 1840, Hobson và khoảng 40 tù trưởng Māori ký kết Hiệp định Waitangi bên vịnh Islands. Các bản sao của hiệp định này sau đó được đưa đến khắp quần đảo để các tù trưởng khác ký kết. Một lượng đáng kể từ chối ký kết hoặc không được yêu cầu, song tổng cộng cuối cùng có trên 500 người Maori ký vào hiệp định. Hiệp định trao cho người Maori chủ quyền đối với đất và tài sản của họ và mọi quyền lợi của công dân Anh. Động cơ thúc đẩy người Anh là mong muốn ngăn chặn các cường quốc châu Âu khác (Pháp lập một khu định cư rất nhỏ tại Akaroa vào năm 1840), nhằm tạo thuận tiện cho các thần dân Anh định cư, và có thể là để kết thúc tình trạng vô pháp luật của những người săn cá voi, hải cẩu, và buôn bán người gốc Âu.

Động cơ của các tù trưởng Maori là mong muốn bảo hộ từ thế lực ngoại quốc, thiết lập chức vụ lãnh đạo đối với những di dân và thương nhân người châu Âu tại New Zealand, và để cho phép định cư quy mô lớn hơn vì điều này sẽ tăng cường giao dịch và thượng vượng đối với người Maori.[20]

Hobson mất vào tháng 9 năm 1842, thống đốc mới là Robert FitzRoy thực hiện một số bước đi pháp lý nhằm công nhận phong tục Maori. Tuy nhiên, người kế vị của ông là George Grey thì xúc tiến đồng hóa văn hóa nhanh chóng và giảm bớt quyền ở hữu đất, ảnh hưởng và quyền lợi của người Maori. Tác động thực tế của Hiệp định vào lúc khởi đầu chỉ dần cảm nhận được, đặc biệt là tại các khu vực chủ yếu là người Maori.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_New_Zealand http://www.heritageaustralia.com.au/articles/featu... http://www.foundingdocs.gov.au/resources/transcrip... http://southseas.nla.gov.au/journals/cook/17691007... http://www.nma.gov.au/cook/artefact.php?id=156 http://www.amazon.com/dp/1107402174/ http://www.art-newzealand.com/Issues31to40/william... http://books.google.com/?id=VkO0AAAAMAAJ&q=Zealand... http://books.google.com/books?id=CHEVAAAAYAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=Po42AQAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=d3spp4c33xIC&pg=P...